Thế, đủ thấy cô yêu tà áo dài nhiều đến mức nào! Vì tình yêu ấy, cô chọn trở thành nhà thiết kế áo dài.
1. Là một trong những nhà thiết kế trẻ được đánh giá cao nhất hiện nay, nhưng Hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân chỉ mới chuyên tâm thiết kế áo dài 3 năm trở lại đây. Tuy vậy, áo dài Ngọc Hân đã ghi dấu ấn trong giới thời trang và được khách hàng ưa chuộng bởi có một vẻ đẹp rất riêng. Mỗi họa tiết trên áo đều ẩn chứa câu chuyện, nét đẹp văn hóa, mang đến cho người mặc cảm giác an bình, thanh thản, tựa như được truyền nguồn năng lượng tích cực.
Trở thành nhà thiết kế thời trang, dường như đó đã là duyên định sẵn với Ngọc Hân - một Hoa hậu được yêu mến không chỉ bởi sắc đẹp mà còn ở tài năng. Ngay từ thuở nhỏ, với năng khiếu vẽ và sở thích may vá, Hân đã ấp ủ ước mơ lớn lên sẽ trở thành cô thợ may. Cô bé Hân ngày ấy còn chưa biết có một nghề mang tên thiết kế thời trang. Mỗi bước đi của Hân sau đó đều gắn với thời trang. Sở hữu vóc dáng chuẩn và nhan sắc khả ái, năm 13 tuổi, Hân đã là người mẫu của CLB Hoa Học Trò. 16 tuổi, Hân trở thành gương mặt quen thuộc của sàn catwalk Hà Nội. Thi đỗ vào Khoa Thiết kế, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, cô bước những bước đầu tiên của một nhà thiết kế thời trang tương lai.
Từng thiết kế nhiều loại trang phục, nhưng Hân chọn thiết kế áo dài là hướng đi lâu dài. Đương nhiên đó không phải sự lựa chọn ngẫu hứng. Hân đăng quang Hoa hậu Việt Nam năm 2010 với chủ đề “Nghìn năm hương sắc”. Bước ngoặt đó cho Hân nhiều cơ hội tham gia những chương trình tôn vinh, tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Càng tìm hiểu, khám phá về văn hóa truyền thống của dân tộc, Hân càng thấy say vẻ đẹp tinh hoa, tinh túy ấy. Cứ thế, văn hóa truyền thống của đất nước và thế giới ngấm vào cô.
Hân bảo: “Văn hóa truyền thống thường bị mặc định là cũ kỹ, nhưng khi khai thác vẻ đẹp ấy qua góc nhìn của người trẻ, nó lại mang màu sắc rất hiện đại, trẻ trung, đa dạng. Với Hân, văn hóa truyền thống là một nguồn cảm hứng bất tận”.
Với con mắt của nhà thiết kế thời trang, Hân nhận thấy áo dài là một đất diễn rất phù hợp để thể hiện nét đẹp của văn hóa truyền thống; đồng thời là trang phục truyền thống của Việt Nam, áo dài sẽ là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam với các nước. Bởi vậy, cô chuyên tâm vào việc thiết kế áo dài và tìm thấy niềm đam mê trong đó. “Hân sẽ làm việc hết mình với đam mê ấy. Được làm công việc mình đam mê, yêu thích, Hân sẽ có cảm hứng để thiết kế những mẫu áo dài đẹp, được mọi người ưa thích. Điều Hân quan tâm là giá trị mỗi bộ sưu tập thời trang áo dài mang đến cho người mặc, cho cộng đồng”, Hân trải lòng.
Áo dài truyền thống toát lên chất thanh lịch, kín đáo, duyên dáng, bởi thế, dù có cách tân áo dài đến đâu cũng không nên vượt quá giới hạn của cái gốc ấy. Hân quan niệm vậy nên đã giữ lại những nét đẹp đặc trưng của áo dài trong mỗi bộ sưu tập (BST) áo dài cách tân của mình.
2. Mỗi BST áo dài, Ngọc Hân chọn một nét đẹp trong văn hóa truyền thống để khắc họa và tạo điểm nhấn. BST “Bức họa đồng quê” được Ngọc Hân thiết kế riêng cho mẹ và bé, mang những nét thôn quê, hình ảnh ngộ nghĩnh, thân thuộc của đồng quê, rực rỡ mà ấm áp nhưng cũng đậm chất nghệ thuật. Với BST này, Ngọc Hân muốn kể lại những gì bình dị nhất nhưng sẽ là ký ức ấu thơ hồn nhiên và vui tươi, an lành để khi ta nhìn vào sẽ thấy yêu cuộc sống này hơn giữa những bộn bề lo toan.
BST “Ý xuân” ra mắt trong “Duyên dáng Việt Nam 2019”, diễn ra hồi đầu tháng 1 vừa qua, được Hân lấy cảm hứng từ những câu ca dao, tục ngữ về ngày Tết. Hình ảnh quen thuộc trong ngày xuân như: đôi tình nhân cùng nhau du xuân, trẻ em với các trò chơi dân gian hay niềm hạnh phúc khi gia đình sum vầy, đoàn tụ… được thể hiện rõ trên từng đường nét, họa tiết. Với BST áo dài lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống, Ngọc Hân mong muốn giới trẻ biết nhiều hơn về dòng tranh độc đáo này.
Qua BST “Cổ tích Việt Nam”, Hoa hậu Ngọc Hân đã giúp các em nhỏ thỏa thích tưởng tượng hình ảnh Thạch Sanh đánh trằn tinh, hoạt cảnh Vua Hùng kén rể hay cô Tấm với quả thị... BST này cũng đưa người lớn được sống lại với những ký ức tuổi thơ. Chính những nhân vật lương thiện, tốt bụng trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam cô được nghe mẹ kể từ ngày nhỏ đã tạo cảm hứng để cô cho ra BST mang hơi thở cổ tích Việt Nam.
Điều dễ nhận thấy trong các BST áo dài, Ngọc Hân luôn ưu ái đưa vào những hình ảnh tượng trưng cho sự hạnh phúc, may mắn, tròn đầy như hoa sen, chim hạc, đám mây… Nét đẹp của văn hóa truyền thống được Ngọc Hân thể hiện sáng tạo trên tà áo dài. Bởi thế, bước vào thế giới thời trang của Hân, ta như lạc vào một thế giới đầy mê đắm, dẫn dụ, lôi cuốn; một miền cảm xúc an lành.
Hân mang niềm hy vọng mỗi người khi yêu mến chiếc áo dài được lồng ghép nét văn hóa truyền thống sẽ trở thành một đại sứ tiếp tục lan tỏa và nhân lên tình yêu văn hóa truyền thống. Đấy cũng là cách riêng của Hân để giữ văn hóa truyền thống không bị mai một.
Dành khá nhiều BST áo dài cho trẻ em, Hân bảo, mong muốn các bé thêm hiểu và yêu những giá trị văn hóa truyền thống. Hân vui nhất là khi khách hàng phản hồi: “Trước đây, con chị không biết tranh Hàng Trống, trò chơi dân gian là gì, nhưng từ khi mặc áo dài do cô Hân thiết kế, con thích và tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa dân gian”. Niềm hạnh phúc của các bậc cha mẹ đã lan tỏa đến Hân, khiến Hân có thêm động lực để tiếp tục cho ra đời những BST như thế.
3. Mỗi lần tham gia các chương trình giao lưu văn hóa thế giới, Hân đều chủ định mặc áo dài mà trong đó ẩn chứa những thông điệp gửi đến bạn bè quốc tế. Theo Hân, đấy là cách hiệu quả để quảng bá văn hóa truyền thống của Việt Nam ra thế giới.
Nhớ lần Hân tham dự sự kiện giao lưu văn hóa Biển đảo Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận diễn ra tại trụ sở UNESCO ở Paris (Pháp) với tư cách là nhà thiết kế thời trang, cô đã mang đến BST áo dài có chủ đề về biển đảo. Hình ảnh những con tem về biển đảo Việt Nam cũng được Ngọc Hân sử dụng làm phụ kiện cài tóc. Buổi trình diễn áo dài ấy, Hân nhận được rất nhiều lời khen tặng từ bạn bè quốc tế về vẻ đẹp đầy ý nghĩa của BST. Hân chia sẻ, tà áo dài truyền thống sẽ thay cô kể câu chuyện về chủ quyền và vẻ đẹp bất tận của biển đảo Việt Nam. Với hình ảnh về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên tà áo dài, Hân muốn gửi gắm một thông điệp khẳng định: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Hân thường đưa những hình ảnh mang đậm nét văn hóa của từng nước để đưa vào tà áo dài Việt Nam. Điều này không chỉ khiến bạn bè quốc tế xúc động trước một người Việt Nam yêu văn hóa nước họ, mà còn thêm yêu tà áo dài cũng như nền văn hóa Việt Nam. Trong BST áo dài mà Ngọc Hân thiết kế cho phu nhân của các đại sứ khi cùng chồng đi làm nhiệm vụ ở các nước, cô đã dùng phương cách này góp phần giúp các phu nhân nhận được những tình cảm nồng nhiệt từ phía nước bạn.
Tiếp xúc với Ngọc Hân, tôi ấn tượng bởi sự chân thành, mộc mạc và suy nghĩ tích cực trong mọi việc. Dường như trên mỗi thiết kế của cô đều phảng phất nét tính cách ấy. Cùng với sự trải nghiệm ngày một sâu sắc và khám phá văn hóa truyền thống ở những tầng khác nhau, mỗi BST áo dài của Hân mang một vẻ đẹp không trộn lẫn. Và Hân hạnh phúc trên con đường thiết kế áo dài mà cô đã chọn./.